Untitled Document

Trang Chủ >>> Thi ONKYO

Bài dự thi ONKYO của Bùi Thị Dung


Năm 1821, Louis Braille đã có một phát kiến tuyệt vời để thay đổi tương lai cho hàng triệu người mù trên khắp thế giới với loại chữ nổi mang tên ông.


Họ và tên: Bùi Thị Dung

Tuổi: 27

Giới tính: Nữ

Nghề nghiệp: Giáo viên

Tên tổ chức: Hội Người Mù Quận Tân Phú

Nơi liên hệ: Hội Người Mù Quận Tân Phú 6-8 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ đề 1: Nếu hiện nay, chữ Braille vẫn còn phù hợp và quan trọng với người mù, cần làm gì để thúc đẩy người mù tiếp tục sử dụng chữ Braille?

Năm 1821, Louis Braille đã có một phát kiến tuyệt vời để thay đổi tương lai cho hàng triệu người mù trên khắp thế giới với loại chữ nổi mang tên ông. Chỉ với sáu chấm nhỏ nhưng chữ nổi “Braille” đã mở ra một bầu trời kiến thức cho người mù, các ký hiệu toán học, nốt nhạc và nhiều môn học khác được chuyển đổi sang định dạng chữ Braille giúp những người mù có thể đọc viết dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Trải qua gần 200 năm phát triển, chữ Braille đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, giúp cho hầu hết người mù có một công cụ hiệu quả để tiếp cận kiến thức. Tuy nhiên, việc phát triển của khoa học máy tính đã tạo ra trình đọc màn hình giúp người mù có thể truy cập kho tàng kiến thức khổng lồ trên internet, nên người mù thường đánh giá cao vai trò của máy tính so với chữ Braille. Trong thời gian hiện tại đã có nhiều quan điểm được đưa ra về tính hữu dụng của chữ Braille, người thì cho rằng vi tính là đủ để hỗ trợ người mù, cũng có người cho rằng chữ Braille vẫn là công cụ hiệu quả nhất cho người mù học tập và làm việc. Với hơn mười bốn năm sử dụng chữ Braille trong học tập cũng như gần một năm giảng dậy học sinh mù cấp tiểu học, tôi xin góp một vài quan điểm của bản thân về vai trò quan trọng của chữ nổi với người mù.

Mặc dù tôi dành phần lớn thời gian để học tập và tiếp thu kiến thức với máy tính, nhưng điều đó không có nghĩa tôi không biết ơn và luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của chữ Braille đối với quá trình học tập của tôi để từng bước chập chững chạm đến kho tàng tri thức rộng lớn của nhân loại. Tôi nhận thấy có rất nhiều điểm mạnh mà chữ Braille đem lại cho người mù mà máy tính không thể so sánh được. Đầu tiên, việc sử dụng chữ Braille trong học tập sẽ giúp người mù có thể ghi nhớ thông tin lâu hơn. Theo những nghiên cứu của các nhà tâm lý học thì khoảng 95% thông tin được con người tiếp nhận là thông qua mắt, còn đối với người mù tay có vai trò quan trọng giống như đôi mắt chịu trách nhiệm tiếp nhận và tìm hiểu những thông tin về các thực thể đang tồn tại xung quanh chúng ta… Ví dụ rõ ràng nhất cho sức mạnh tiếp nhận thông tin của đôi tay là hành trình phi thường của tiến sĩ Helen Keller, nhờ việc được cô giáo Anne Sullivan đã tận tình cầm tay hướng dẫn cảm nhận các thực thể xung quanh cuộc sống mà Helen Keller đã xây dựng cho bản thân một thế giới quan vô cùng ấn tượng. Chính những phát hiện về thiên nhiên và cuộc sống qua đôi tay đã giúp Helen Keller từ một cô gái vừa mù vừa câm trở thành người phụ nữ mù có sức ảnh hưởng to lớn đến nhân loại. Hơn nữa, chữ Braille cũng là công cụ giúp người mù có thể ghi chép nhiều lĩnh vực đa dạng và làm việc với các bản ghi một cách hiệu quả. Mặc dù máy tính ngày càng thân thiện với người mù, nhưng việc ghi chép một số loại thông tin vẫn là điều chưa khả thi và rất khó để tương tác. Ví dụ, việc ghi chép các nốt nhạc với chữ Braille đã giúp rất nhiều người mù học nhạc hiệu quả, nhưng khi viết vào máy tính thực sự quá khó để người mù tương tác và sử dụng, toán học cũng là một trường hợp mà chữ Braille sẽ hỗ trợ hiệu quả hơn là máy tính. Điều tuyệt vời hơn cả của chữ Braille là người mù có thể dễ dàng đọc được các văn bản chữ Braille ở bất cứ nơi đâu hoặc bất cứ thời gian nào dù ở đó không có ánh đèn sáng lung linh cũng như không có các thiết bị hỗ trợ như điện thoại thông minh hay máy tính. Bên cạnh đó, với mục tiêu nhằm hỗ trợ người mù có thể hòa nhập với cộng đồng tốt hơn thông qua các cơ sở hạ tầng công cộng như thang máy, các kệ trưng bày sản phẩm trong siêu thị hay các vật dụng trong nhà bếp cũng đã được thiết kế có in chữ Braille giúp cho người mù dễ dàng tiếp cận hơn.

Mặc khác, chữ Braille đang tồn tại nhiều vấn đề về chi phí cao và nội dung giới hạn gây cản trở mong muốn sử dụng chữ nổi trong học tập và công việc của người mù. Một vấn đề tồn tại nhiều năm đặc biệt là ở các quốc gia nghèo và đang phát triển nơi các hỗ trợ học tập cho người mù chưa được quan tâm như Việt Nam thì các tài liệu chữ Braille đang rất giới hạn. Khi tôi còn là một học sinh phổ thông loại sách chữ Braille duy nhất mà tôi được sử dụng đó là sách giáo khoa, hơn nữa cơ quan cao nhất là Hội Người Mù Việt Nam cũng chỉ có một ấn phẩm chữ Braille là báo “Đời Mới” được phát hành hạn chế. Tôi còn nhớ khi được nhận một cuốn báo Đời Mới, tôi đã đọc một cách say mê, vì đó là những thông tin rất khác so với sách giáo khoa. Vấn đề gây giới hạn số đầu sách chữ Braille tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Châu Á được xuất bản là chi phí phát hành quá cao, không phù hợp với thực tế nền kinh tế. Ví dụ, một bộ sách giáo khoa cho học sinh sáng mắt khoảng 200-300.000 VNd, nhưng một bộ sách tương tự dành cho học sinh khiếm thị lại đắt gấp 10 lần. Ngoài ra, các thiết bị hỗ trợ nhiều thông tin như màn hình chữ nổi kết nối với máy tính lại quá đắt tối thiểu cũng vài trăm cho đến vài ngàn Dollars, nó có thể là một năm thu nhập của cả một gia đình tại Việt Nam.

Với những ưu điểm và hạn chế của chữ Braille, tôi đề xuất một vài giải pháp để thúc đẩy việc sử dụng chữ nổi của người mù phổ biến hơn. Những giải pháp của tôi sẽ tập trung vào các quốc gia nghèo và đang phát triển ở Châu Á như Việt Nam. Trước tiên, để tăng số lượng đầu sách chữ Braille được phát hành, chúng ta cần tìm kiếm các giải pháp in ấn rẻ hơn các hình thức hiện tại bằng việc tổ chức các cuộc thi tìm kiếm những giải pháp từ cộng đồng. Hơn nữa, việc ứng dụng in 3D cũng nên được xem xét trong việc tìm kiếm những phương án in ấn với chi phí thấp và nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển các phiên bản Braille Display giá rẻ có thể là một phương án hiệu quả để thúc đẩy sử dụng chữ Braille kết hợp với máy tính. Giải pháp này nếu có giá rẻ cụ thể là rút bớt những chức năng cao cấp, chỉ giữ lại những chức năng chính cơ bản để giảm giá thành, đây là phương án nhiều hãng công nghệ sử dụng để tạo ra phiên bản giá rẻ và rất thành công.

Cuối cùng với kinh nghiệm sử dụng chữ Braille nhiều năm, tôi tin rằng chữ Braille luôn có vai trò quan trọng phù hợp cho việc học tập của người mùở Việt Nam nói riêng cũng như toàn thế giới nói chung. Do đó, việc cải tiến, tìm ra những sáng kiến để tăng cường kho tài liệu chữ Braille là vô cùng quan trọng và cấp bách. Đồng thời, việc nghiên cứ để giảm giá thành các thiết bị đọc và viết chữ nổi như Braille Display là cần thiết.