Untitled Document

Trang Chủ >>> Thi ONKYO

Bài dự thi ONKYO của Đào Thị Lệ Xuân


Hạnh phúc của bạn là gì? Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi này chưa? Còn tôi, ngay từ ngày tôi quyết định gắn bó cả cuộc đời với người ấy tôi đã tự tìm cho mình câu trả lời.


Họ và tên: Đào Thị Lệ Xuân

Tuổi: 33

Giới tính: Nữ

Nghề nghiệp : Phó chủ tịch hội người mù Q. Bình Thạnh

Tên tổ chức : Hội người mù quận Bình Thạnh TP.HCM

Địa chỉ thường trú : 273/71 Nguyễn Văn đậu P.11 Q. Bình thạnh TP.HCM

Chủ đề : Viết về người / tổ chức đã giúp bạn có được cuộc sống thành công hôm nay

HẠNH PHÚC TRONG TAY TA

Hạnh phúc của bạn là gì? Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi này chưa? Còn tôi, ngay từ ngày tôi quyết định gắn bó cả cuộc đời với người ấy tôi đã tự tìm cho mình câu trả lời. Nhìn hình thức bên ngoài chúng tôi rất không tương xứng. Anh thấp hơn tôi bảy cm, lại bị vẹo cột sống từ năm mười lăm tuổi nên lưng anh hơi gù. Tôi thì được nhiều người khen tặng là hoa khôi trong giới khiếm thị. Nhưng điều tôi cần là một người đàn ông cho tôi sự bình an và ấm áp. Tôi đã không hối hận khi chọn anh.

Năm 2008 khi tôi đang học năm hai trường đại học Sư phạm TP.HCM thì mẹ tôi bị mắc bệnh rất nguy kịch, em gái tôi phải vội vã ra bệnh viện Hà Nội chăm sóc mẹ. Lúc ấy vừa lo sợ bệnh tình của mẹ, tôi vừa gắng gượng tự lập sau hai năm trời có em gái bên cạnh. Tôi hoang mang, chới với giữa lòng Sài Gòn. Nỗi cô đơn, bất lực bủa vây khiến tôi nhiều lần bật khóc. Lúc ấy tôi và anh đang cùng sinh hoạt trong nhóm sinh viên khiếm thị. anh đã lắng Nghe và nhận ra giọng nói kém sôi nổi, cách nói chuyện thiếu hoạt bát của tôi. Không nhìn được ánh mắt và nét mặt của nhau nhưng anh thấu hiểu tâm trạng tôi. Ngày nào anh cũng hỏi han tôi qua điện thoại, trêu chọc tôi trên messenger.

“Em có muốn gia nhập đỗi ngũ trí tuệ của nhân loại không?” Một buổi sáng chủ nhật anh hỏi tôi. Không chờ tôi phản ứng, anh nói tiếp. “Thôi anh thấy em có đủ tố chất đấy, để anh xung em vào đội hen!” Nói rồi anh cười tinh quái. Cái ngày nhận thầy học đạo cờ vua của tôi được bắt đầu như thế đấy.

Thời điểm ấy bàn cờ vua dành riêng cho người khiếm thị rất hiếm, anh đã đi thi đấu paragames nên mới may mắn được thầy mua tặng một bộ. Anh đã đưa bàn cờ ấy cho tôi. Tối tối anh dạy tôi qua messenger. Tôi dùng bàn cờ còn anh chơi cờ tưởng. Tôi chỉ nghĩ anh muốn giúp tôi khuây khỏa. Thật không ngờ anh đã lên kế hoạch giới thiệu tôi vào đội tuyển cờ vua khuyết tật TP.HCM. Nhiều lần thi đấu thất bại, tôi thấy mình không có năng lực. Tôi muốn bỏ cờ.

“Em đã tập luyện hết sức mình chưa? Nếu đã bỏ hết tâm lực mà vẫn đạt kết quả như thế thì anh ủng hộ em rời khỏi đội tuyển.”

Anh thực sự thấu hiểu con người tôi. Chỉ một câu nói, anh đã khơi dậy lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm của tôi. Anh đã cùng tôi lên một kế hoạch tập luyện cụ thể. Từng bước nâng đỡ, khích lệ tôi. Mười năm trôi qua, càng ngày tôi càng gắn bó với môn thể thao này hơn. Tôi hiện đang là vận động viên nòng cốt của đội và đã bốn lần được đi thi đấu quốc tế, giành được nhiều huy chương vàng bạc đồng. Người thầy của tôi, Anh đã truyền cho tôi không chỉ kiến thức mà cả lòng đam mê của anh.

Sau hai năm yêu nhau, năm 2011, chúng tôi kết hôn. Vì muốn phát triển hơn trong công việc, sau đám cưới, anh học tiếp thạc sĩ tâm lý, tôi theo học văn bằng hai ngữ văn Anh. Cuộc sống sẽ luôn tươi đẹp khi chúng ta không ngừng nỗ lực. Không. Một biến cố đã làm tôi sụp đổ lòng tin ấy. Con gái của chúng tôi mắc bệnh ung thư mắt, căn bệnh giống tôi. Một cảm giác tội lỗi vò xé tâm can tôi. Tôi thấy mình chính là loài sâu độc, nấm độc gieo rắc cho con gái mình. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu lời cầu xin Đấng tối cao của tôi cũng không làm cho cơn ác mộng ấy biến mất. Lúc ấy tôi đâu biết rằng anh cũng đang đau đớn chẳng kém gì tôi. Yêu vợ, thương con, phải chứng kiến tai họa đổ lên đầu hai người thân yêu nhất, nỗi đau của anh tăng lên gấp bội. Nhưng…. Không được phép bộc lộ. Anh ngăn chặn lời bàn tán của gia đình anh về tôi. Anh chạy khắp nơi tìm lời chỉ dẫn, chỉ mong mỏi có được một phương pháp điều trị tốt nhất. Rồi hai mẹ con tôi được đưa sang Singapore chữa bệnh suốt sáu tháng trời. Sáu tháng ấy, anh đôn đáo chạy vạy, khắc khoải nhớ nhung, lo lắng hồi hộp đợi chờ tin tức. Ơn trên đã nghe thấu lời khẩn cầu của chúng tôi. Gia đình tôi đã được đáp lại bằng kết quả tốt đẹp cho con gái. Hạnh phúc nào bằng khi được xum vầy sau một kiếp nạn tưởng chừng vô phương. Còn một điều khiến tôi càng yêu và kính trọng anh hơn khi tôi biết anh không hề hối hận vì đã quyết định sinh con. Anh tự thấy may mắn khi lấy được tôi làm vợ. Tôi vẫn nghĩ rằng giá như anh đừng lấy tôi thì con của anh đâu có gặp bất hạnh…

Sau biến cố lớn ấy, vợ chồng chúng tôi đã có một cái nhìn khác về cuộc sống. Chúng tôi không chỉ lo cho đời sống của riêng mình. Chúng tôi muốn được làm một cái gì đó cho xã hội. tôi vào làm việc trong ban chấp hành của hội người mù quận Bình thạnh, muốn tìm cơ hội hỗ trợ người mù cải thiện đời sống. Chồng tôi không ngừng tìm tòi các dự án hỗ trợ cộng đồng và tạo ra các phương tiện trợ giúp người mù. Anh viết sách dạy cờ vua cho các bạn khiếm thị muốn bắt đầu chơi cờ; làm phần mềm cờ vua cho người mù tự tập luyện tại nhà; sản xuất bàn cờ vua, cờ tướng chuyên biệt giúp người mù có thể chơi hòa nhập cùng người sáng. Anh cũng nghiên cứu và hoàn thiện cây gậy dò đường cho người mù Việt Nam theo tiêu chuẩn gậy Mỹ.

Vâng, tôi có lẽ chưa hẳn là một người phụ nữ thành công nhưng tôi là một người phụ nữ hạnh phúc. Bởi tôi có một người thầy, một người anh, một người bạn luôn là điểm tựa nâng đỡ, chở che tôi trong suốt cuộc đời.